Điện mặt trời mái nhà chờ cơ chế
Việc không cho mua bán điện áp mái như đề xuất của Bộ Công Thương chỉ nên duy trì trong 3 - 5 năm thử nghiệm, trước khi thay đổi theo hướng mua lại điện áp mái với giá hợp lý nhằm huy động hiệu quả nguồn lực xã hội.
Nhiều chuyên gia đã đề xuất như vậy khi trao đổi về dự thảo nghị định liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà, đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến.
Theo đó khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư, lắp đặt điện mặt trời mái nhà để tiêu thụ, không bán điện cho các tổ chức, cá nhân khác và không bán điện cho hệ thống điện quốc gia.
Mòn mỏi chờ cơ chế cho điện áp mái
Anh Nguyễn Tuấn Minh (xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội) - một người đang sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái - cho hay gia đình anh lắp hệ thống điện áp mái công suất 5kW, có bộ lưu điện từ năm 2020 với chi phí lắp đặt khoảng 95 triệu đồng. Công suất của hệ thống khá ổn định.
Trong những ngày mùa hè nắng, trung bình hệ thống phát được từ 25-27kWh/ngày, đủ phục vụ cho nhu cầu ban ngày của cả gia đình.
Trong những ngày ít nắng, hệ thống cũng phát được khoảng 15kWh/ngày. Hạn chế là bộ lưu điện của hệ thống chỉ tích được 5kWh/ngày nên gia đình vẫn phải hòa với hệ thống điện lưới để có đủ điện cho nhu cầu sinh hoạt về đêm.
"Chi phí lắp đặt hệ thống ban đầu khoảng 95 triệu đồng, nếu so với số tiền điện giảm hằng tháng khoảng 1 triệu đồng, gia đình tôi dùng khoảng 10 năm sẽ hòa vốn lắp đặt. Tính theo vòng đời pin, ít nhất khoảng 25 năm, sẽ lãi được 15 năm tiền sử dụng điện", anh Tuấn Minh nói.
Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp xuất khẩu lớn trong ngành dệt may tại TP.HCM cho hay các đối tác nhập khẩu đến từ các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều yêu cầu nhà sản xuất cam kết giảm phát thải.
Do vậy, doanh nghiệp buộc phải dùng điện mặt trời trên mái nhà xưởng để giảm phát thải, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các nhà nhập khẩu.
"Chúng tôi đã lắp điện mặt trời trên một phần mái nhà xưởng, trong tương lai sẽ lắp 100% các mái nhà xưởng trong các nhà máy ở phía Nam nhưng chưa có cơ chế nên rất lúng túng", vị này nói.
Ông Khuất Quang Hưng - giám đốc đối ngoại và truyền thông Nestlé Việt Nam - cho biết tập đoàn này nỗ lực giảm phát thải trên cả chuỗi cung ứng, trong đó đặt mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2025.
Tuy vậy do cơ chế về điện mặt trời chậm được ban hành, việc dùng điện tái tạo của tập đoàn sẽ bị ảnh hưởng.
Còn ông Đào Xuân Đức - chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM - cho hay cả doanh nghiệp FDI lẫn các doanh nghiệp Việt khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đều phải thực hiện các cam kết về môi trường, giảm phát thải.
Thực tế nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp có nhu cầu lắp điện mặt trời trên mái để vừa giảm tiền điện vừa đạt các chứng chỉ xanh, giảm phát thải carbon...
"Do đó cần sớm ban hành cơ chế để giúp doanh nghiệp dễ dàng lắp điện mặt trời và vượt qua các "hàng rào xanh" trong cạnh tranh xuất khẩu", ông Đức đề nghị.
Vì sao chưa thể mua bán điện?
Một chuyên gia năng lượng cho rằng phát triển điện mặt trời mái nhà sẽ giúp tận dụng được vốn của xã hội đầu tư vào sản xuất điện.
Tuy nhiên, việc phát triển điện áp mái cũng phát sinh một số vấn đề. Nếu không kiểm soát công suất, người dân làm ồ ạt sẽ dư thừa công suất hệ thống điện vào giờ trưa - thời điểm điện mặt trời áp mái phát huy tối đa công suất (từ 10h sáng đến 2h chiều).
TS Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng cho rằng tiềm năng điện mặt trời áp mái ở miền Nam và miền Trung rất lớn. Nếu khuyến khích phát triển ồ ạt mà không tiêu thụ hết sẽ gây lãng phí cho xã hội, từng gia đình.
"Điện mặt trời không phải loại hình điện nền, phát tối đa công suất 24/24 giờ, nên cần phát triển ở mức phù hợp trong bối cảnh đường truyền tải điện chưa đủ", ông Long nói.
Tuy nhiên, theo ông Tô Xuân Bảo - cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), việc ban hành nghị định trước mắt nhằm khuyến khích người dân tự sản xuất điện mặt trời áp mái và tự tiêu thụ tại chỗ.
Nếu tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, mua bán điện phải tuân thủ các quy định khác liên quan đến điện lực, đăng ký kinh doanh. Do vậy tại thời điểm này chỉ đề xuất khuyến khích lắp đặt để tự dùng chứ chưa khuyến khích mua bán.
"Trước mắt đề xuất như vậy để khuyến khích lắp đặt điện áp mái tự dùng nhằm giảm áp lực cho lưới điện.
Giờ lưới điện phân tán, chưa đáp ứng được yêu cầu an toàn vận hành, hệ thống lưới điện hạ áp độ linh hoạt chưa cao nên chỉ khuyến khích tổ chức, cá nhân lắp đặt phục vụ nhu cầu tại chỗ chứ không bán cho người khác", ông Bảo nói.
Cơ chế mở sẽ huy động tối đa nguồn lực đầu tư
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia năng lượng cho rằng việc không cho mua bán điện áp mái như đề xuất của Bộ Công Thương chỉ nên duy trì trong 3 - 5 năm thử nghiệm, sau đó nên thay đổi theo hướng mua lại điện mặt trời áp mái với giá hợp lý.
Khi hệ thống điện linh hoạt hơn (nhờ đầu tư thêm lưới điện, cải thiện hệ thống nhiệt điện, điện khí vào nhiều hơn) phân bố giữa các nguồn điện năng lượng mặt trời hợp lý, việc mua lại điện mặt trời áp mái sẽ tốt hơn thay vì không cho mua bán như hiện nay.
Trong khi đó, TS Nguyễn Quốc Việt - phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) - cho rằng quy định về việc phát triển điện mặt trời áp mái theo hướng tự sản, tự tiêu không phù hợp với xu thế phát triển kinh tế thị trường, chính sách phát triển điện tái tạo, phát triển điện mặt trời.
Theo ông Việt, nếu đóng khung việc phát triển điện mặt trời áp mái là tự sản, tự tiêu, xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái phần lớn dùng cho nhu cầu của từng hộ gia đình, cá nhân sẽ không phù hợp với thực tế, không khuyến khích động lực đầu tư.
"Giá cả đầu vào của hệ thống pin năng lượng mặt trời ngày càng rẻ, cơ hội cho các chủ thể tham gia đầu tư nguồn điện là rất lớn trong khi nguồn lực đầu tư của EVN rất hạn chế.
Người dân muốn đầu tư cũng phải tạo ra một sản lượng điện đủ, không những cho nhu cầu tiêu dùng mà có thể bán một phần lên hệ thống lưới điện, cho người xung quanh", ông Việt nói.
Thực tế trong các khu công nghiệp không phải tất cả các doanh nghiệp có mái nhà xưởng đều có thể sử dụng 100% lượng điện sản xuất trên mái nhà xưởng trong khi những doanh nghiệp bên cạnh có nhu cầu sử dụng điện.
Do vậy việc điều hòa, phân bổ lại công suất dư thừa từ hệ thống mái nhà từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác là cần thiết.
Ngoài ra chủ đầu tư cụm, khu công nghiệp có thể đầu tư đồng bộ hệ thống điện mặt trời trên mái các khu nhà xưởng có sẵn. Nếu không cho các chủ thể được quyền mua bán điện với nhau sẽ hạn chế động lực đầu tư của các tổ chức, cá nhân.
"Cần mở đường cho chủ đầu tư các cụm, khu công nghiệp được quyền kinh doanh, mua bán điện trực tiếp, bất luận quy mô họ đầu tư đến đâu", ông Việt đề xuất.
Tổ chức, cá nhân sau khi lắp ĐMT mái nhà được chọn:
Đấu nối với hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Không đấu nối với hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Điều kiện:
Không được bán điện trong trường hợp không dùng hết công suất đã lắp đặt.
Nếu đấu nối với hệ thống điện quốc gia sẽ bị kiểm soát, phải phù hợp với kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, tổng công suất không vượt quá công suất được phân bổ theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Nếu không đấu nối với hệ thống điện quốc gia thì được ưu tiên phát triển, không giới hạn công suất.
Hành vi lợi dụng quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để kinh doanh hoặc bán điện cho tổ chức, cá nhân khác là trái quy định.
TS Nguyễn Quốc Việt (phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách):
Phát triển điện áp mái nên hướng tới nhiều mục tiêu
Tôi cho rằng không nên áp dụng một cách cứng nhắc quy định mua bán điện mặt trời áp mái với giá 0 đồng.
Thay vào đó, để tạo động lực đầu tư cho các chủ thể trên thị trường điện, giá điện mặt trời áp mái có thể biến động theo nhu cầu, cung cầu thị trường, khả năng bảo đảm phụ tải của EVN ở từng thời điểm, từng vùng trên cơ sở cạnh tranh.
Dù việc mua bán điện mặt trời áp mái giữa các hộ dân với nhau còn những rào cản nhất định vì đã kinh doanh mua bán, phát sinh doanh thu là phải có đăng ký kinh doanh để quản lý thuế.
Hơn nữa, mua bán điện vẫn phải có kiểm soát về mặt kỹ thuật để bảo đảm an toàn. Nhiều nước khuyến khích các đơn vị điện lực tự do thỏa thuận với người dân, lắp pin trên mái nhà dân để thu điện thừa và bán lại cho các hệ thống cần điện như hệ thống trạm dừng nghỉ có sạc điện. Mô hình này của Tesla đã rất thành công tại một bang của Úc.
Trong thời gian tới, khi xe điện ngày càng phổ biến tại Việt Nam, việc lắp các trạm sạc ở nơi công cộng là rất cần thiết.
Nếu chúng ta khuyến khích mọi tổ chức, người dân đầu tư điện áp mái sẽ đạt được hai mục tiêu, đó là đáp ứng nhu cầu điện vừa thúc đẩy được quá trình chuyển đổi xanh, sử dụng phương tiện vận tải xanh, thân thiện môi trường.
Ông Trương Công Vũ (tổng giám đốc Global Energy):
Cần hỗ trợ doanh nghiệp đạt chứng chỉ xanh
Rất nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp FDI có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời mái nhà nhưng do còn "trống" chính sách nên doanh nghiệp ngần ngại lắp đặt, dù 100% sản lượng điện mặt trời dùng để phục vụ cho sản xuất của nhà máy, giúp doanh nghiệp đạt chứng chỉ xanh và giảm phát thải.
Các doanh nghiệp cũng không màng đến chuyện mua bán, song chỉ sợ khi bỏ ra hàng tỉ đồng lắp đặt trên mái rồi, đang dùng giữa chừng lại bắt tháo xuống gây tốn kém cho doanh nghiệp.
Phần lớn các doanh nghiệp đều cho rằng có cơ chế giá mua lại lượng điện dư thừa vào ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật hoặc khi nhà máy ngừng sản xuất chỉ mang tính hỗ trợ, không quan trọng với doanh nghiệp.
Giá cả tấm quang năng lẫn pin lưu trữ đều đã giảm sâu trong khi Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) cũng sắp có hiệu lực, nên Nhà nước cần sớm có chính sách về điện mặt trời để hỗ trợ các doanh nghiệp muốn dùng điện sạch.
Khi chưa ban hành quy định chính thức, cần có chính sách tạm thời cho doanh nghiệp đăng ký tại các sở công thương để lắp đặt điện mặt trời nằm trong công suất 2.600MW đã được phê duyệt tại Quy hoạch điện 8.
Ông Bùi Văn Thịnh (chủ tịch Hiệp hội Điện gió, mặt trời tỉnh Bình Thuận):
Khoảng trống chính sách kéo dài nhiều năm
Khoảng trống chính sách đối với việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà đã kéo dài nhiều năm, trong khi nhu cầu lắp đặt của các doanh nghiệp rất lớn. Do đó cần sớm có chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà, giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng lắp đặt để dùng nguồn năng lượng tái tạo.
Chúng ta nên khuyến khích doanh nghiệp bằng việc nếu có công suất dư thừa, EVN có thể mua lại với một mức giá hợp lý dù rất thấp, thay vì 0 đồng, để tận dụng nguồn điện dư và có hạch toán đầu ra đầu vào.
Đơn vị phát điện được bán điện trực tiếp cho khách hàng
Bên cạnh cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự tiêu, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ ban hành nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (tiêu thụ từ 500.000kWh/tháng trở lên).
Theo đó, đơn vị phát điện tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn có thể mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng và qua lưới điện quốc gia. Giá bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng do hai bên tự thỏa thuận.
Việc bán điện tái tạo trực tiếp qua lưới điện quốc gia có thể thực hiện qua thị trường điện giao ngay thông qua EVN. Các đơn vị phát điện tái tạo có công suất từ 10 MW trở lên đấu nối vào hệ thống điện quốc gia được trực tiếp tham gia thị trường mua bán điện cạnh tranh.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết trong số 106 dự án điện tái tạo (ĐMT, điện gió) có công suất lắp đặt từ 30MW trở lên, có 24 dự án mong muốn tham gia, 17 dự án cân nhắc tham gia.
Khảo sát 41 khách hàng sử dụng điện lớn cho thấy có 20 khách hàng mong muốn được tham gia mua bán điện trực tiếp với các đơn vị phát điện. Trong đó có những cái tên đáng chú ý như Samsung, Apple, Heineken, Google, Nike...
( nguồn : Báo Tuổi trẻ )