Điện gió, điện mặt trời: Bùng nổ nhưng vẫn 'vướng trên, kẹt dưới'
Sự phát triển của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời, vẫn đang trên đà tăng trưởng. Hội nghị COP28 đã đạt được bước đột phá và đưa ra lời kêu gọi tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030. Tuy vậy, viễn cảnh về một tương lai tươi sáng của năng lượng tái tạo vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Năm của năng lượng tái tạo
Tin vui là năng lượng mặt trời và năng lượng gió đang phát triển nhanh chóng trong năm 2023. Mặc dù chỉ chiếm 12% lượng điện được tạo ra trên toàn thế giới vào năm 2022 nhưng nhu cầu về năng lượng mặt trời và năng lượng gió đã tăng tới 80%.
Năng lượng sạch, hay còn gọi là năng lượng tái tạo đang phát triển với tốc độ chóng mặt trong những năm qua. Đây được xem như “quân bài” giúp Trái Đất quay lưng lại với nhiên liệu hóa thạch và ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu.
2023 là năm bùng nổ của năng lượng mặt trời. Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, Trung Quốc, Châu Âu và Mỹ đều lập kỷ lục lắp đặt năng lượng mặt trời trong năm nay.
Dẫn đầu là các dự án điện mặt trời của Trung Quốc với 180 – 230 gigawatt bổ sung thêm. Tiếp đó là châu Âu với 58 gigawatt bổsung.
Ông Michael Taylor, nhà phân tích cấp cao tại IRENA, cho biết các dự án về điện mặt trời đang mở rộng với tốc độ chóng mặt ở châu Âu. Công suất của điện mặt trời dự kiến sẽ vượt qua tổng công suất thủy điện trên toàn cầu trong năm 2023 này.
Điện mặt trời hiện là dạng điện rẻ nhất ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Giá thành của một tấm pin mặt trời đã giảm từ 40% - 53% ở châu Âu trong khoảng thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng 11/2023 và hiện đang ở mức thấp kỷ lục.
2023 cũng dự là năm kỷ lục của điện gió khi các nhà phân tích cho biết, đến cuối năm 2023, thế giới sẽ bổ sung đủ năng lượng từ gió để cung cấp điện cho gần 80 triệu ngôi nhà.
Theo nghiên cứu từ Wood Mackenzie, cũng giống như năng lượng mặt trời, phần lớn mức tăng trưởng điện gió (hơn 58 gigawatt) đến từ Trung Quốc.
Global Energy Monitor cho biết, Trung Quốc đang trên đà vượt qua mục tiêu đầy tham vọng vào năm 2030 là 1.200 gigawatt công suất năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Nếu tất cả các dự án năng lượng tái tạo của nước này đều được thực thi, Trung Quốc sẽ hoàn thành kế hoạch này trước 5 năm so với dự kiến.
Tại Mỹ, một trang trại gió với công suất 103 gigawatt có thể sẽ sớm được xây dựng. Đi cùng với đó là khoản đầu tư mới vào năng lượng tái tạo đạt mức kỷ lục 358 tỷ USD trong nửa đầu năm, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thách thức vẫn còn
Thế nhưng đằng sau những triển vọng đó, năng lượng tái tạo vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức khó có thể giải quyết trong ngày một ngày hai.
Theo ông Ramnath Iyer, Trưởng nhóm nghiên cứu về tài chính khí hậu và năng lượng tái tạo tại IEEFA, thách thức lớn nhất đó là sự bất cân đối về mặt địa lý, nhất là khi nhìn vào các khoản đầu tư cho năng lượng tái tạo.
Các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc hiện chiếm tới hơn 80% tổng số vốn đầu tư vào điện gió, điện mặt trời trên toàn cầu. Chỉ tính riêng Trung Quốc, nước này đã đóng góp 52% đầu tư toàn cầu vào năng lượng sạch, 42% vào năng lượng mặt trời và 55% vào năng lượng gió trong năm 2022.
Tại châu Á, Ấn Độ, Hàn Quốc và Việt Nam cũng lọt vào top 10 quốc gia đứng đầu về tốc độ bổ sung công suất năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2013 – 2022. Tuy nhiên, ở những quốc gia này, lượng điện tạo ra từ năng lượng tái tạo được đưa vào sử dụng vẫn còn ở mức thấp.
Phần còn lại của thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi và kém phát triển, đang bị tụt lại phía sau. Lấy Đông Nam Á làm ví dụ, khu vực này đã chứng kiến mức sụt giảm nghiêm trọng trong đầu tư vào lĩnh vực xanh, giảm tới 7%, xuống chỉ còn 5,2 tỷ USD vào năm ngoái.
Tiếp đến, phát triển năng lượng tái tạo không phải là hành trình dễ dàng, nhất là khi bài toán về chi phí vẫn nặng gánh.
Việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất liên tục trong 2 năm qua đã dẫn đến chi phí tài chính của các dự án năng lượng tái tạo tăng mạnh, đặc biệt là ở các quốc gia có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn tài trợ bên ngoài.
Sự biến động trên thị trường tài chính đã khiến các nhà đầu tư rút hơn 70 tỷ USD khỏi cổ phiếu và trái phiếu ở các thị trường mới nổi vào năm 2022. Tính trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 10/2023, dòng vốn chảy khỏi các thị trường này cũng lên tới gần 33 tỷ đồng.
Ông Ramnath Iyer cho biết, khi lãi suất tăng 4 – 5%, chi phí của các dự án năng lượng tái tạo sẽ tăng thêm từ 8 – 10% ngay cả khi thời gian hoàn thành dự án chỉ là 2 năm. Điều này trở thành rào cản cản trở khả năng vay vốn của các dự án.
Cùng với đó là những thách thức ngắn hạn như lạm phát cao, chi phí vật liệu xây dựng tăng,... đã buộc một số nhà phát triển gió biển phải đàm phán lại hoặc thậm chí hủy hợp đồng dự án. Một số nhà phát triển gió trên đất liền phải trì hoãn các dự án đến năm 2024 hoặc 2025.
Bên cạnh đó, sự thiếu rõ ràng về chính sách, yêu cầu giấy phép phức tạo hoặc quy chế mua bán không rõ ràng cũng góp phần làm chậm trễ tiến độ của nhiều dự án điện gió, điện mặt trời trên toàn cầu, từ đó gia tăng khoảng cách giữa những nước đi đầu và những nước bị tụt lại phía sau.
Rõ ràng, vẫn còn nhiều việc phải làm để giữ cho quá trình chuyển đổi năng lượng đi đúng hướng. Theo ông Ramnath Iyer, chính phủ các nước phải giải quyết được các rào cản về vật chất, hành chính và thủ tục để giảm thiểu rủi ro và chi phí trong triển khai các dự án điện gió, điện mặt trời.
Đồng thời, các nhà đầu tư, nhà tài trợ và nhà phát triển cũng cần phản ứng linh hoạt hơn để việc phát triển năng lượng tái tạo toàn cầu diễn ra nhanh hơn và quyết liệt hơn.
( nguồn : Năng lượng & Cuộc sống )