Trang chủ / TIN TỨC & CÔNG NGHỆ / Đề xuất cho điện mặt trời hòa lưới nhưng... không có tiền

Đề xuất cho điện mặt trời hòa lưới nhưng... không có tiền


Điện mặt trời mái nhà có liên kết với lưới điện quốc gia để tự sử dụng, sản lượng dư không bán được cho hàng xóm, nếu phát lên lưới cũng chỉ được ghi nhận sản lượng với giá... 0 đồng.


Dư dùng, được phát lên lưới sẽ có giá 0 đồng

Đổi lại, nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân đầu tư điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) được bám lưới điện, được liên kết với lưới điện quốc gia để ĐMT được vận hành, hoạt động ổn định.

Đề xuất cho điện mặt trời hòa lưới nhưng... không có tiền - Ảnh 1.

Cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN đặt vấn đề cần sửa luật Điện lực và điều chỉnh Quy hoạch Điện 8

NGUYÊN NGA

Nay thiếu điện, nhân dân tự làm điện nhiều hơn, vượt sản lượng đưa ra trong Quy hoạch Điện 8, phải tính toán để điều chỉnh cập nhật ngay, song song với công tác xây dựng dự thảo nghị định khuyến khích ĐMTMN.

Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm

Đó là một trong những nội dung Bộ Công thương xin ý kiến cụ thể liên quan đến dự thảo hồ sơ đề xuất xây dựng nghị định của Chính phủ quy định về phát triển ĐMTMN. Chính sách này, theo Bộ Công thương là được xây dựng theo hướng tổ chức, cá nhân khi thực hiện phát triển ĐMTMN chỉ được sử dụng tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, bao gồm cả việc không bán điện cho Tập đoàn Điện lực VN (EVN); (nghĩa là không có đầu tư kinh doanh điện, không cho phép hoạt động kinh doanh mua bán điện). Ngoài ra, theo dự thảo, trường hợp tổ chức, cá nhân lựa chọn không phát sản lượng điện dư (nếu có) của ĐMTMN vào lưới điện quốc gia thì phải tự đầu tư lắp đặt thiết bị hạn chế tối đa phát điện dư vào hệ thống điện.

Bộ Công thương cũng cho biết ĐMTMN không liên kết với lưới điện quốc gia để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, cũng phải bảo đảm cả nguồn phát điện và phụ tải không liên kết với lưới điện quốc gia. Quy mô công suất không giới hạn tại thời điểm thực hiện đăng ký phát triển.

TS Trần Đình Bá (Hội Khoa học kinh tế VN) nói thẳng Bộ Công thương một lần nữa xây dựng cơ chế khuyến khích ĐMTMN nhưng nội dung không có gợi mở để khuyến khích mà chỉ làm theo quy định cứng nhắc. Đây là chính sách lỗi thời kiểu ngăn sông cấm chợ trước những năm đổi mới, không có sự trao đổi hàng hóa. "Chúng ta muốn xây dựng một cơ chế khuyến khích phát triển hay muốn ngăn sông cấm chợ với điện tái tạo?", TS Bá đặt câu hỏi.

Một chuyên gia năng lượng ở phía nam bức xúc: Quy định này ngay cả khi hỏi ý kiến đã thấy "tréo ngoe" so với những gì đang diễn ra. Hiện tại vẫn có hình thức nhà đầu tư hệ thống ĐMTMN và bán trực tiếp cho chủ công trình có mái nhà. Hơn nữa, Bộ Công thương đang nghiên cứu cơ chế bán điện trực tiếp (DPPA). Như vậy quy định "không cho bán điện cho hàng xóm" này liệu có vô tình ngăn cản việc thực hiện DPPA hay không để lượng điện dư có thể chia sẻ với những khách hàng lân cận, tránh lãng phí khi người đầu tư sử dụng tại chỗ không hết.

Cũng theo chuyên gia này, ngay cả ĐMTMN không liên kết lên lưới điện quốc gia, việc không cho bán cũng cần nghiên cứu lại. Ví dụ, các khu vực vùng sâu, xa… thiếu điện, không phải ai cũng có khả năng lắp ĐMTMN. Như vậy, người có điều kiện làm ĐMTMN sẽ chia sẻ nguồn với các nhà lân cận có được không? Nếu được, cần điều kiện gì? Chưa kể đã quy định công suất không giới hạn, không nối lưới, tại sao phải đăng ký vì nguồn này không ảnh hưởng đến lưới điện? Nếu không cho bán, sẽ có tác động gì đến xung quanh? Công suất bao nhiêu phải đăng ký, vì hiện nay hệ thống đèn tích trữ năng lượng ban ngày, chiếu sáng ban đêm rất phổ biến…

"Hiện hệ thống lưu trữ cũng đã phát triển về chất lượng và giá thành rẻ dần, khi được lắp đặt cùng với các hệ thống ĐMTMN cũng sẽ tăng được độ ổn định của lưới điện. Tuy nhiên, dự thảo hoàn toàn không đề cập đến. Nếu bổ sung hệ thống lưu trữ thì cần có tiêu chí về tiêu chuẩn an toàn cháy nổ. Vấn đề về tiêu chuẩn an toàn đối với pin lưu trữ, giải pháp bảo vệ, phòng chống cháy nổ rất quan trọng và cấp thiết", chuyên gia này đặt vấn đề.

Cần có quyết sách cởi mở sớm để không bị thiếu điện năm sau

Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm nhận xét mặc dù Bộ Công thương đã có ghi chú là các đề xuất này cần tiếp tục nghiên cứu và xin ý kiến cơ quan quản lý, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng dự thảo không giải thích vì sao quy định không cho bán điện, và phát lên lưới ghi nhận sản lượng giá 0 đồng… Thế nên, tên gọi dự thảo nghị định là khuyến khích, trong thực tế là chưa mang tính chất khuyến khích. Lẽ ra Bộ Công thương phải giải thích tại sao không cho bán điện phát lên lưới, tại sao những vùng có năng lượng mặt trời nhiều lại không cho phát triển?

Theo ông Lâm, hiện có 2 ràng buộc, thậm chí nhà làm chính sách bị "mắc kẹt" bởi quy định liên quan phát ĐMT. Đó là Quy hoạch Điện 8 (QHĐ8) và luật Điện lực. QHĐ8 đã cố định sản lượng ĐMTMN đấu nối với lưới điện quốc gia, không bán điện vào hệ thống có tổng công suất từ nay đến năm 2030 là 2.600 MW. Nếu thực hiện các dự án đang có sẵn, đã thấy thừa, không thiếu. Vấn đề là QHĐ8 đã hợp lý chưa? Nếu chưa và nhìn thấy tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo là rất lớn, tại sao Bộ Công thương không đề xuất điều chỉnh QHĐ8? 

Thứ hai là luật Điện lực quy định việc đầu tư bán điện phải có giấy phép hoạt động điện lực với nhiều ràng buộc công suất, trình độ chuyên môn, có giấy phép kinh doanh điện… Nên nếu cá nhân, tổ chức không có giấy phép, thì không thể bán điện. Trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện vào mùa nóng cao, VN tiến đến tăng sản lượng điện tái tạo…, quy định vậy đã hợp lý chưa, có bảo đảm yếu tố khuyến khích chưa? Nếu chưa, phải sửa đổi gấp luật Điện lực và QHĐ8.

"Những ràng buộc này trong thực tế là chủ quan của chúng ta, nay thiếu điện, nhân dân tự làm điện nhiều hơn, vượt sản lượng đưa ra trong QHĐ8, phải tính toán để điều chỉnh cập nhật ngay, song song với công tác xây dựng dự thảo nghị định khuyến khích ĐMTMN. Ngoài ra, liên quan cho phép bán điện cho hàng xóm theo luật Điện lực là phải có giấy phép. Muốn vậy, người dân phải xin giấy phép kinh doanh rồi báo cáo tài chính, pháp nhân, thủ tục khá phức tạp. Trong khi nhu cầu chỉ là nhà này thừa điện dùng, chia sẻ với nhà bên cạnh mà thôi, người dân không có nhu cầu làm kinh doanh… Vậy cần sửa đổi quy định cho đơn giản, phù hợp nhu cầu thực tế có được không?", chuyên gia Ngô Đức Lâm đặt vấn đề và cho rằng với vai trò tham mưu cho Chính phủ, Bộ Công thương cần quyết liệt hơn, không nên chọn cách làm an toàn quá và có luận cứ với tầm nhìn dài hơn để xây dựng cơ chế, tránh ban hành chưa ráo mực lại phải sửa đổi, bổ sung.

Ông Lâm nhấn mạnh quy định không sai nhưng lại hạn chế sự phát triển năng lượng tái tạo. Thậm chí, phải đề xuất điều chỉnh quy hoạch, làm lưới điện để người dân có thể bán điện cho hàng xóm. Mùa hè năm sau gần đến rồi, nguy cơ thiếu điện còn đó, đừng để nước đến chân mới nhảy. Theo ông Lâm, Thủ tướng phải có ý kiến về vấn đề này sớm. Yêu cầu Bộ tổng hợp lại nhu cầu khai thác ĐMTMN từ người dân được bao nhiêu, lưới điện quốc gia có khả năng tải không, từ đó cho phép người dân có điện dư dùng phát lên lưới và được trả tiền. 

Dự thảo nghị định quy định về phát triển ĐMTMN cũng đưa một số cơ chế ưu đãi:

Đất và công trình xây dựng có mái nhà không phải thực hiện bổ sung đất năng lượng, công năng cho công trình năng lượng. Các dự án lắp đặt cũng được hưởng chính sách ưu đãi thuế, phí, lệ phí theo quy định; các cơ quan nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển ĐMTMN. Để thực hiện lắp đặt hệ thống ĐMTMN, các tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đăng ký đến đơn vị điện lực địa phương, sau đó được trả kết quả trong vòng 7 ngày. UBND tỉnh sẽ phê duyệt công suất phát triển ĐMTMN tại địa phương, công suất ĐMTMN có liên kết với lưới điện quốc gia.


                                                                         ( nguồn : Báo Thanh Niên )