Chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà - Đề xuất của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam
Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Trong đó có đề cập đến nội dung điện nối lưới điện, sản lượng ghi nhận, nhưng có giá “0 đồng”. Sau khi nghiên cứu nội dung dự thảo này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam có một vài ý kiến mang tính khoa học - kỹ thuật trao đổi dưới đây.
Điện là một loại hàng hóa đặc biệt, có vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống và các hoạt động kinh tế. Do vậy, sản xuất, kinh doanh mặt hàng điện cần phải có sự điều tiết của Nhà nước. Mức độ điều tiết này phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế, kỹ thuật cho phép trong từng thời điểm và thời gian khác nhau, nhất là trong quá trình thực hiện lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh, khi mà hiện nay chúng ta chỉ đang chuyển sang giai đoạn vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) và đang trong giai đoạn thiết kế chi tiết, chuẩn bị để triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (VREM). Hơn nữa cung cấp, sản xuất điện phải phù hợp, chính xác với tiêu thụ điện tại từng thời điểm. Do vậy, mọi nguồn đấu nối vào lưới phải được điều tiết chặt chẽ do chúng có ảnh hưởng rất lớn tới nhau.
Trước hết cần nêu, tiềm năng điện mặt trời mái nhà của Việt Nam là rất lớn. Theo các nghiên cứu gần đây, tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời mái nhà của Việt Nam là trên 140 GW, chỉ riêng các khu công nghiệp hiện có và nằm trong quy hoạch, tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời mái nhà ước tính gần 20 GW (nếu mỗi khu công nghiệp cho phép lắp đặt 50 MWp).
Theo chúng tôi hiểu, Nghị định này chủ yếu tập trung vào cơ chế quản lý điều hành và khuyến khích cho 2.600 MW nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được phát triển đến năm 2030 theo Quyết định số 500/QĐ-TTg của TTg Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII, cũng như đã phân bổ lượng công suất này theo các tỉnh, thành trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024. Các dự án điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không nối lưới được phép phát triển không giới hạn.
Một số nhận định và đề xuất ban đầu:
Thứ nhất: Nghị định về cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu cần đảm bảo quản lý điều hành của Chính phủ trong ngắn và trung hạn, nhưng các quy định cần có tầm nhìn bao quát, có thể phát huy tác dụng trong dài hạn.
Thứ hai: Hầu như các hộ lắp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đều có nhu cầu mua điện (ngoài phần tự phát của họ). Nhu cầu nối lưới là hợp lý, tự nhiên. Khi điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đấu nối, nhưng không phát vào lưới điện làm cho các hệ thống điện mặt trời mái nhà phải lắp bộ chống phát ngược (zero export), dẫn đến lãng phí xã hội, đồng thời tạo ra nhiều bất lợi về kỹ thuật và khả năng vận hành lâu dài của các hệ thống điện mặt trời mái nhà. (Hệ thống điện mặt trời mái nhà sẽ giảm tuổi thọ đáng kể, nếu bị ngắt quá nhiều bởi chức năng chống phát ngược).
“Tự sản, tự tiêu” không có nghĩa là hoàn toàn không được mua thêm từ bên ngoài (khi thiếu), hoặc không được bán/cho ra bên ngoài (khi dư thừa). Do vậy, cần phải định nghĩa thêm là hợp lý và rõ nghĩa. Cho phép điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đấu nối vào lưới điện quốc gia là một giải pháp hợp lý để thúc đẩy việc phát triển nguồn điện này. Ghi nhận sản lượng phát lên lưới là nguyên tắc cơ bản của mọi hoạt động kinh tế, phục vụ công tác điều hành, thống kê, đánh giá, rút kinh nghiệm, đồng thời không lãng phí tài sản xã hội.
Thứ ba: Khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích - chi phí và các hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu bán điện vào lưới, chúng tôi đề nghị cần xem xét điều chỉnh một phần dự kiến về quy định “ghi nhận sản lượng điện, nhưng không thanh toán cho chủ hộ lắp đặt” với các điều kiện sau. Quy định đó bao hàm:
(i) “Ghi nhận” - nghĩa là giá trị tài sản xã hội đó được xác nhận là đóng góp (hoặc tác động bất lợi) đối với bên cung cấp điện. Như vậy, cần có những tính toán cụ thể về “lợi và hại” của sản lượng điện này.
Ví dụ: Mặt lợi là giảm đầu tư nguồn mới, giảm được chi phí truyền tải, phân phối, giảm phát thải khí nhà kính… Còn mặt hại là phải tiết giảm/ngừng các tổ máy phát điện có hiệu quả kinh tế, tăng chi phí điều độ, đầu tư vận hành hệ thống bù quán tính, hệ thống điều áp dưới tải… do nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu dư thừa vào thấp điểm trưa và không phát vào cao điểm chiều. Giá trị ghi nhận này, cần được hạch toán hợp lý.
Ý kiến ban đầu của chúng tôi là lượng điện này có thể được Chính phủ cho phép hạch toán vào chi phí đầu tư cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, không được coi là lợi nhuận của bên cung cấp điện.
(ii) Việc quy định “Không thanh toán” là mang tính thận trọng, tạm thời, với quan điểm cho rằng: “Chống trục lợi chính sách trong khi chưa có những kinh nghiệm và thời gian thực tế áp dụng”. Tuy nhiên, nếu kéo dài quy định này sẽ không khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, trong khi Chính phủ còn mong muốn “phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu”, như đã nêu trong Quyết định số 500/QĐ-TTg.
Ngoài ra, kiến nghị trong Nghị định cần có quy định về thời gian ngắn hạn áp dụng việc “không thanh toán” trong giờ thấp điểm trưa, hay “không mua bán” này.
Ví dụ: Giai đoạn không quá hai đến ba năm (từ năm 2024-2027). Giai đoạn sau, Nhà nước có thể quy định mức giá hợp lý, có thể cao, thấp, hoặc giá âm, tùy thời điểm, tùy khu vực địa lý, hoặc để tùy thị trường xác định mức giá khi thị trường điện đã chuyển sang giai đoạn vận hành thị trường điện bán lẻ cạnh tranh.
Bộ Công Thương nên tiếp tục cho nghiên cứu tính toán, đánh giá đầy đủ lợi ích - chi phí về kỹ thuật, tác động về pháp lý, kinh tế, xã hội để giai đoạn sau tham mưu cho Chính phủ về cơ chế nối tiếp.
Mặt khác, kiến nghị Chính phủ bổ sung trong Nghị định có điều khoản giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương trách nhiệm này.
Một tham khảo hiện tượng giá điện âm, hoặc giá điện bằng 0 (ở một số nước có điện mặt trời chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống điện) trong thời gian qua là cũng chỉ xảy ra tại một số thời gian ngắn nhất định trong ngày, hoặc chỉ trong một thời điểm nào đấy trong tuần khi các nước này đã giai đoạn vận hành thị trường điện hoàn hảo. (Xem bài viết “Giá điện ‘âm’ là ‘hình phạt’ đối với nhà đầu tư điện gió, mặt trời” - phân tích về hiện tượng giá điện âm ở Đức trong một số thời điểm ngày 29/5/2023).
Thứ tư: Nghị định nên bổ sung quy định các chính sách hỗ trợ, mang lại các ưu đãi cho các đối tượng cần khuyến khích khi phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Ví dụ như vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, khu vực có yếu tố thời tiết ít thuận lợi trong khi nhu cầu phụ tải cao, hoặc khu vực thiếu nguồn xây mới - như miền Bắc trong vài năm tới, hoặc truyền tải điện khó khăn. Tại các khu vực địa lý này, có thể cho phép dùng cơ chế bù trừ (net-metering). Có thể quy định mức phát lên lưới không vượt quá 20-30% phụ tải tự tiêu thụ; cũng có thể quy định cơ chế bù trừ khi phát vào lưới 3-4 kWh được trừ 1 kWh mua điện v.v… Cần có tính toán cụ thể để xác định mức hợp lý.
Thứ năm: Với các hộ điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có bộ lưu trữ, nên cho phép bán vào hệ thống điện trong giờ cao điểm từ 4-7 giờ chiều, và có thể giá cao hơn giá mua trung bình để khuyến khích lắp bộ lưu trữ điện, hỗ trợ hiệu quả hệ thống trong thời gian này.
Cuối cùng: Với kế hoạch phát triển 2.600 MW điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nối lưới, thiết nghĩ hệ thống điện của Việt Nam hiện nay đã có quy mô trên 80.000 MW, và đến năm 2030 sẽ lên tới trên 140.700 MW với sản lượng gần 567 tỷ kWh, cũng không gặp phải vấn đề lớn về “mất cân đối”. Sản lượng điện với mức độ 20-30% từ lượng công suất 2.600 MW này (ước tính khoảng 780 đến 1,17 tỷ kWh) được đưa vào hệ thống cũng không thể làm ảnh hưởng lớn đến vận hành các nguồn điện khác.
( nguồn : Năng lượng Việt Nam )