Cập nhật tình hình hoạt động của EVN [kỳ 1]: Hiện trạng hệ thống nguồn điện Việt Nam
Qua đánh giá bối cảnh phát triển dự án theo Quy hoạch điện VIII của EVN được chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cập nhật trong chuyên đề này cho thấy những thách thức trong đầu tư các dự án nguồn điện, vấn đề nhiên liệu, cung ứng điện trong bối cảnh tích hợp điện gió, mặt trời vào hệ thống với tỷ lệ cao. Do đó, EVN mong muốn cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét, triển khai các nhóm giải pháp chính sách, nhằm giảm thiểu rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh...
KỲ 1: TỔNG QUAN HIỆN TRẠNG HỆ THỐNG ĐIỆN VIỆT NAM
1. Thực trạng cơ cấu nguồn điện và mức độ vận hành tin cậy của hệ thống điện (HTĐ) hiện nay khi tích hợp cơ cấu nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) ngày càng tăng vào hệ thống:
Tính đến cuối năm 2023, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống khoảng 80.555 MW. Trong đó:
- Tổng công suất các nguồn điện NLTT biến thiên (điện gió, mặt trời) là 21.664 MW, chiếm tỷ trọng 26,9%.
- Nhiệt điện than là 26.757 MW, chiếm tỷ trọng 33,2%.
- Thủy điện là 22.872 MW, chiếm tỷ trọng 28,4%.
- Các nhà máy điện khí chiếm 8,9%.
- Nhiệt điện dầu và nguồn khác chiếm 1,4%.
- Công suất nguồn điện nhập khẩu khoảng 1%.
Hình 1: Cơ cấu công suất nguồn điện toàn hệ thống đến cuối năm 2023 (theo loại hình nguồn điện cơ cấu theo chủ sở hữu):
Mặc dù tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống khá cao so với nhu cầu công suất phụ tải cực đại, tuy nhiên, phân bố nguồn điện và dự phòng nguồn điện giữa các miền không đồng đều. Trong đó, khu vực miền Bắc cơ bản không có dự phòng về nguồn điện (tổng công suất đặt của HTĐ miền Bắc là 28.614 MW trong khi so với nhu cầu công suất lớn nhất (Pmax) là 23.568 MW. Còn HTĐ miền Trung và miền Nam có dự phòng khá lớn (tổng công suất nguồn điện tương ứng là 16.802 MW và 35.140 MW) trong khi nhu cầu công suất lớn nhất tương ứng là 4.939 MW và 19.702 MW.
Hình 2: Công suất nguồn điện và nhu cầu công suất lớn nhất toàn HTĐ quốc gia và các miền năm 2023:
Hình 3: Biểu đồ cơ cấu huy động nguồn ngày điển hình trong giai đoạn mùa khô (tháng 5) và mùa lũ (tháng 8) của HTĐ quốc gia:
Tình hình phát triển của các nguồn NLTT:
Trong thời gian qua, nhờ việc triển khai các chính sách khuyến khích phát triển NLTT của Chính phủ, các nguồn điện gió, điện mặt trời đã được đầu tư, phát triển mạnh mẽ từ quy mô công suất khoảng 583 MW (chiếm tỷ trọng ~1,2%) vào năm 2018 đã tăng lên 21.664 MW (chiếm tỷ trọng 27% công suất toàn hệ thống) góp phần bổ sung nguồn cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt giải quyết tình trạng thiếu điện khu vực miền Nam.
Tuy nhiên, các nguồn điện gió, điện mặt trời có tính bất định cao, công suất phát phụ thuộc vào điều kiện thời tiết (bức xạ mặt trời, tốc độ gió) nên khi tỉ trọng NLTT trong hệ thống ở mức cao sẽ gây một số ảnh hưởng đến công tác đảm bảo điện và vận hành HTĐ.
2. Tình trạng an toàn vận hành của các nhà máy nhiệt điện theo công nghệ trước đây và vai trò cung cấp điện ổn định, hiệu quả của các nhiệt điện theo công nghệ mới đã vào vận hành theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh:
Các nhà máy điện (NMNĐ) than đã được xây dựng và đưa vào vận hành tại Việt Nam trên 40 năm. Trong đó, một số nhà máy vẫn đang được duy trì vận hành để cung ứng điện khu vực miền Bắc như NĐ Ninh Bình (100 MW), NĐ Phả Lại 1 (440 MW). Trong thời gian qua, công nghệ nhà máy nhiệt điện than đã từng bước được cải tiến. Trong đó:
- Các NMNĐ than được đưa vào vận hành trong giai đoạn 2001-2010 với công nghệ cận tới hạn như NĐ Phả Lại 2, Uông Bí (mở rộng), Quảng Ninh, Hải Phòng…. Đây là công nghệ điều khiển hoàn toàn mới và hiện đại nhất tại Việt Nam thời gian này khi nhà máy sử dụng hệ thống theo dõi, giám sát và điều khiển phân tán (DCS) hỗ trợ vận hành, giảm thiểu rủi ro sự cố chủ quan.
- Với sự phát triển của khoa học, công nghệ, các NMNĐ than được đưa vào vận hành trong các năm gần đây đều được sử dụng công nghệ tiên tiến (công nghệ lò hơi siêu tới hạn - Super Critical - SC) nâng cao hiệu suất của nhà máy, hiệu quả của dự án, cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường. Đây là các nguồn điện có công suất lớn, vận hành ổn định và thực hiện nhiệm vụ chạy nền cho HTĐ quốc gia, đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo an ninh cung cấp điện trong thời gian qua.
Kỳ tới: Tình hình đầu tư các dự án trọng điểm của EVN và những thách thức
( nguồn : Năng lượng Việt Nam )