Trang chủ / TIN TỨC & CÔNG NGHỆ / Các thành phần giá bán lẻ điện ở Đức - Gợi ý cách tiếp cận của Việt Nam

Các thành phần giá bán lẻ điện ở Đức - Gợi ý cách tiếp cận của Việt Nam


Giá điện bán cho hộ gia đình ở Đức luôn thuộc nhóm đắt nhất EU và được chia ra nhiều thành phần. Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổng hợp các thành phần giá điện bán lẻ ở Đức và so sánh, gợi ý những vấn đề cần cân nhắc cho thị trường bán lẻ điện của Việt Nam.

Giá điện bán lẻ ở Đức có bao nhiêu thành phần?

Năm 2023 hệ thống điện ở Đức đã sản xuất ra 430,6 tỷ kWh điện, trong đó điện năng lượng tái tạo (kể cả thủy điện, sinh khối và một phần điện rác) đã sản xuất ra 258,65 tỷ kWh, chiếm tới 60% tổng sản lượng - tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay, đưa nước Đức tới con đường đạt Net zero vào năm 2035.

Trước kia, khi phụ thuộc vào khí đốt và hạt nhân, mọi người đã từng hy vọng là năng lượng tái tạo sẽ đem lại cho người Đức giá điện hợp lý hơn. Nhưng thực tế không phải như vậy. Giá điện sinh hoạt ở Đức cao nhất ở châu Âu vào nửa cuối 2023, vượt qua cả Đan Mạch như trong đồ thị dưới đây.

Các thành phần giá bán lẻ điện ở Đức - Gợi ý cách tiếp cận của Việt Nam
Hình 1: Giá điện các nước châu Âu nửa cuối 2023 (đã bao gồm thuế). Nguồn Eurostat.

Nước Đức có dự trữ công suất cực lớn do tỷ lệ năng lượng tái tạo cao, tổng công suất đặt của hệ thống là 241 GW vào năm 2023, lớn gấp 3 lần phụ tải đỉnh 74 GW.

Giá điện sinh hoạt ở Đức áp dụng từ ngày 1/4/2024 rất cao và bao gồm 2 thành phần lớn: Giá thu hàng năm không phụ thuộc vào điện năng tiêu thụ và giá theo điện năng tiêu thụ. Mỗi thành phần lại được chia nhỏ tiếp cho thấy sự minh bạch. Tất cả có 10 loại chi phí. Năm 2022 để giá điện không tăng cao quá, Chính phủ Đức phải bỏ khoản thu hỗ trợ năng lượng xanh ra khỏi giá điện.

TT

Loại giá

Đơn vị

Giá trước thuế

Giá sau thuế

Tương đương VNĐ



Giá cơ bản hàng năm không phụ thuộc vào điện năng









1

Phí lưới điện cố định hàng năm

Eur/năm

80

95.20

2,665,600

2

Phí đo đếm công tơ

Eur/năm

16.81

20.00

560,109

3

Phí cơ sở

Eur/năm

34.2

40.70

1,139,544



Tổng giá cơ bản

Euro/năm

131.01

155.9

4,365,200



Giá theo điện năng









4

Thuế điện

cent/kWh

2.05

2.44

683

5

Phí nhượng quyền

cent/kWh

1.99

2.37

663

6

Thuế theo khoản §17f của Đạo luật Công nghiệp Năng lượng (thuế điện gió ngoài khơi)

cent/kWh

0.656

0.78

219

7

Phụ phí theo Đạo luật đồng phát Điện và Nhiệt

cent/kWh

0.275

0.33

92

8

Phí bù thất thoát lưới theo §19 StromNEV

cent/kWh

0.643

0.77

214

9

Phí lưới điện theo điện năng

cent/kWh

6.7

7.97

2,232

10

Giá điện năng tiêu thụ

cent/kWh

18.376

21.87

6,123



Tổng giá theo điện năng

cent/kWh

30.69

36.52

10,226

Giá điện áp dụng từ 1/4/2024. Giá sau thuế bao gồm thuế bán hàng 19%. Tỷ giá Euro = 28.000 VNĐ.

Dù một năm không dùng kWh nào thì gia đình ở Đức vẫn phải trả 155,9 Euro cho phí kết nối với lưới điện. Phí đó lại được chia nhỏ thành phí lưới điện 95,2 Euro/năm trả cho việc duy trì lưới điện (bao gồm cả lưới truyền tải, phân phối, phí đo đếm công tơ điện và phí cơ sở).

Thành phần giá theo điện năng được chia thành 7 loại thuế phí và giá mua điện. Giá mua điện là khoản lớn nhất (21,87 cent Euro/kWh), tương đương 6.123 đồng/kWh (59,88% giá điện năng). Tiếp đó là phí lưới điện theo điện năng (khác với phí cố định hàng năm) 7,97 cent/kWh và hàng loạt các khoản thuế phí khác. Ngay cả phí truyền tải điện gió ngoài khơi về đất liền cũng được tính thành một khoản riêng (0,78 cent/kWh).

Nếu tính chi phí truyền tải trong giá điện thì có 2 thành phần chính: Chi phí cố định hàng năm là 95,2 Euro/năm (2.665.600 đồng/năm) và tổng khoản 6, 8, 9 như trong bảng trên là 9,52 cent/kWh (2.666 đồng/kWh). Đây là mức phí truyền tải và phân phối rất cao.

Các thành phần giá bán lẻ điện ở Đức - Gợi ý cách tiếp cận của Việt Nam
Hình 2: Một trang của hóa đơn điện ở Đức tháng 4/2024.

So sánh và vấn đề Việt Nam cần cân nhắc:

Ngay cả khi loại bỏ thuế bán hàng 19%, thì giá điện ở Đức vẫn quá cao so với Việt Nam. Phần có thể so sánh được giữa các nước là chi phí cố định hàng năm là khoản mà Việt Nam hoàn toàn chưa có. Khi Việt Nam áp dụng giá điện nhiều thành phần, cấp thẩm quyền có thể cân nhắc để tách chi phí đấu nối điện ra riêng. Nếu hộ dân vẫn thanh toán đầy đủ chi phí đấu nối, thì các công ty điện lực không có quyền cắt điện của họ. Như vậy sẽ tránh được phiền nhiễu người dân khi không dùng quá 6 tháng phải làm thủ tục xin không bị cắt điện. Tuy nhiên, mức áp dụng sẽ phù hợp, không thể cao đến hơn 4 triệu đồng/năm/hộ dân trung bình như ở Đức.

Giá điện năng gần như cả thế giới có nền tảng chung, không phụ thuộc vào thu nhập của nước đó (vì tỷ lệ nhân công trên tổng chi phí rất thấp), mà chỉ phụ thuộc vào nhiên liệu sơ cấp và công nghệ phát điện. Do Đức sử dụng năng lượng tái tạo và các hệ thống lưu trữ, các nhà máy điện khí LNG, điện than, sinh khối, thủy điện tích năng để điều tiết hỗ trợ năng lượng tái tạo, nên giá phát điện ở Đức cao hơn hẳn so với Pháp chạy chủ yếu điện hạt nhân, Ba Lan chạy phần lớn điện than, hay Na Uy phần lớn là thủy điện.

Giá truyền tải và phân phối ở Đức quá cao, tới 2,666 đồng/kWh do kết nối không chỉ trong nước, mà còn với tất cả các nước xung quanh, trong khi ở Việt Nam cả truyền tải và phân phối chỉ khoảng 330 đồng/kWh.

Trong tương lai, khi tỷ lệ năng lượng tái tạo cao dần lên, Việt Nam cũng sẽ phải tính đến các nguồn đắt đỏ để hỗ trợ năng lượng tái tạo như: Pin lưu trữ, thủy điện tích năng, điện khí LNG chu trình đơn, kết nối lưới điện với các nước láng giềng. Khi đó phí truyền tải có thể sẽ tăng cao và trở thành một thành phần của hóa đơn điện.




                                                                                          ( nguồn : Năng lượng Việt Nam )