Trang chủ / TIN TỨC & CÔNG NGHỆ / Các nhà sản xuất pin mặt trời yêu cầu EU hỗ trợ khẩn cấp trước áp lực 'nguồn cung' của Trung Quốc

Các nhà sản xuất pin mặt trời yêu cầu EU hỗ trợ khẩn cấp trước áp lực 'nguồn cung' của Trung Quốc


 Ngành công nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của châu Âu đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) thực hiện các biện pháp khẩn cấp để tránh các công ty địa phương phải đóng cửa dưới áp lực giá từ hàng nhập khẩu của Trung Quốc.


Các nhà sản xuất pin mặt trời của châu Âu yêu cầu EU hỗ trợ khẩn cấp trước áp lực “nguồn cung vượt mức đáng kể” của Trung Quốc

Nhiều nhà sản xuất năng lượng mặt trời ở châu Âu đã công bố kế hoạch đóng cửa các nhà máy trong những tháng gần đây, với lý do áp lực từ làn sóng nhập khẩu và tình trạng dư cung các bộ phận của tấm pin mặt trời đã chất đống trong các kho hàng ở châu Âu và đẩy giá đi xuống.

Trong thư đề ngày 30/1/2024 gửi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, tập đoàn công nghiệp Hội đồng Sản xuất Năng lượng Mặt trời Châu Âu (ESMC) cảnh báo rằng nếu không có sự trợ giúp nhanh chóng, EU có nguy cơ mất hơn một nửa công suất sản xuất mô-đun quang điện mặt trời đang hoạt động trong vòng vài tuần.

ESMC yêu cầu EU triển khai các biện pháp khẩn cấp bao gồm kế hoạch mua hết lượng mô-đun năng lượng mặt trời dư thừa của EU để giảm bớt tình trạng dư cung và thay đổi các quy định viện trợ của nhà nước để tăng cường hỗ trợ của chính phủ cho các nhà sản xuất năng lượng mặt trời địa phương.

Bức thư viết: Nếu những biện pháp đó không được thực hiện nhanh chóng, EU cũng nên xem xét các biện pháp "tự vệ" có thể bao gồm thuế quan và hạn ngạch để chống lại sự gia tăng nhập khẩu.

Châu Âu đang nhanh chóng mở rộng năng lượng mặt trời, lắp đặt công suất mới kỷ lục 56 GW trong năm ngoái. Nhưng mặc dù sự tăng trưởng nhanh chóng đó là rất quan trọng để đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu, nhưng nó cũng phụ thuộc rất nhiều vào linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Meyer Burger của Thụy Sỹ nằm trong số các công ty châu Âu đang gặp khó khăn, trong tháng này đã công bố kế hoạch đóng cửa nhà máy sản xuất thua lỗ ở Đức trừ khi Chính phủ cung cấp nguồn tài trợ như đã hứa.

Hy Lạp đạt sản lượng năng lượng xanh cao kỷ lục trong năm 2023

Hôm thứ Ba (30/1), Nhà điều hành mạng lưới điện IPTO cho biết rằng Hy Lạp đã đạt sản lượng năng lượng gió, mặt trời và thủy điện cao kỷ lục trong năm 2023, khi quốc gia Địa Trung Hải này tìm cách trở thành nhà xuất khẩu năng lượng xanh sang các nước phía bắc.

IPTO cho biết năng lượng được sản xuất từ các nhà máy năng lượng tái tạo và thủy điện chiếm 57% tổng năng lượng của Hy Lạp vào năm ngoái, tăng 8,5% hàng năm so với năm 2022. Phần còn lại đến từ khí đốt, dầu và than đá. Sau khi đóng cửa hầu hết các nhà máy điện đốt than như một phần trong kế hoạch loại bỏ than vào năm 2026, Hy Lạp đã tăng hơn gấp đôi sản lượng từ năng lượng tái tạo tính từ năm 2014.

Hy Lạp dự kiến cần đầu tư khoảng 30 tỷ euro để tăng cường công suất xanh, mở rộng lưới điện và lắp đặt các bộ lưu trữ năng lượng để đạt được mục tiêu 44% mức tiêu thụ năng lượng đến từ năng lượng xanh vào năm 2030, từ mức 22% vào năm 2021.

Giám đốc điều hành Manos Manousakis cho biết IPTO có kế hoạch mở rộng công suất của lưới điện lên 29 gigawatt vào năm 2030, từ mức 18 gigawatt hiện nay, trong một dự án 10 năm, trị giá 5 tỷ Euro.

Cùng với việc mở rộng kết nối với các nước láng giềng như Bulgaria, Hy Lạp cũng đang thúc đẩy việc xây dựng một đường điện dưới biển kết nối với Ai Cập và một đường kết nối khác tới Đức qua Biển Adriatic, Slovenia và Áo.

Tập đoàn Stellantis bắt đầu sản xuất xe tải hydro lớn ở Ba Lan

Hôm thứ Hai (29/1), Nhà sản xuất ô tô Pháp -Ý Stellantis cho biết rằng họ đang bắt đầu sản xuất số lượng lớn xe tải chạy bằng pin nhiên liệu hydro cỡ lớn và cỡ trung ở châu Âu, mở rộng phạm vi các loại xe thương mại không phát thải.

Nhà sản xuất ô tô Pháp-Ý cho biết họ sẽ sản xuất những chiếc xe tải lớn hơn tại nhà máy Gliwice ở miền nam Ba Lan và những chiếc cỡ trung ở Hordain, miền bắc nước Pháp.

Tập đoàn này, cũng cung cấp các loại xe thương mại chạy bằng pin điện (BEV), đã bán những chiếc xe tải cỡ trung sử dụng hydro, nhưng cho đến nay mới bán nhiều cho các khách hàng lớn. Stellantis điều hành nhà máy xe thương mại lớn nhất châu Âu, nằm ở thị trấn Atessa miền trung nước Ý, nơi có công suất sản xuất lên tới 1.200 xe tải lớn mỗi ngày dưới các thương hiệu Fiat Professional, Peugeot, Citroen, Opel và Vauxhall, cũng như cho Toyota.

Stellantis đã sản xuất khoảng 230.000 xe vào năm ngoái tại Atessa, so với khoảng 100.000 xe ở Gliwice. Trong kế hoạch kinh doanh dài hạn, họ dự kiến doanh số bán xe tải chạy bằng hydro sẽ đạt 10.000 chiếc mỗi năm kể từ năm 2025.

Tập đoàn này cho biết các xe tải chạy bằng pin nhiên liệu hydro của họ có phạm vi hoạt động lên tới 400 km (250 dặm) ở phiên bản cỡ trung và lên tới 500 km đối với phiên bản cỡ lớn. Thời gian tiếp nhiên liệu là 4-5 phút.

Thông báo này được đưa ra khi Chính phủ Ý bất đồng với Stellantis và nhà đầu tư lớn nhất duy nhất của nó là Exor. Rome phàn nàn rằng nhà sản xuất ô tô đôi khi đưa ra những lựa chọn "đi ngược lại" lợi ích của đất nước, dẫn đến sản lượng ở Ý giảm.


                                                                                     ( nguồn : Năng lượng Quốc tế )

Các nhà sản xuất pin mặt trời yêu cầu EU hỗ trợ khẩn cấp trước áp lực 'nguồn cung' của Trung Quốc