Các nhà đầu tư đặt cược vào sự trở lại của năng lượng hạt nhân
Hình minh họa |
Theo các đại diện được Bloomberg phỏng vấn, Robeco Institutional Asset Management, J O Hambro Capital Management và Janus Henderson Investor là một trong số các công ty nhận thấy vai trò của các cổ phiếu liên quan đến năng lượng hạt nhân trong danh mục đầu tư của họ.
Chris Berkouwer, Giám đốc chính của quỹ Net Zero 2050 Climate Equities của Robeco cho biết: “Trước đây, chúng tôi khá thận trọng và thiên về cách tiếp cận loại trừ. Nhưng hiện nay rõ ràng rằng hạt nhân là “một phần không thể thiếu” trong việc loại bỏ khí thải nhà kính”, ông nói.
Việc bổ sung năng lượng hạt nhân vào danh mục đầu tư được quảng bá là thân thiện với môi trường chắc chắn sẽ làm dấy lên nhiều tranh cãi. Những người hoài nghi chỉ ra hàng loạt lo ngại, từ vấn đề chất thải hạt nhân đến nguồn cung uranium, cũng như các cú sốc địa chính trị. Cuộc chiến của Vladimir Putin ở Ukraine đã làm gia tăng lo lắng toàn cầu, đặc biệt sau khi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia rơi vào tầm kiểm soát của Nga.
Tuy nhiên, những người ủng hộ cho rằng khi vận hành một lò phản ứng hạt nhân không phát thải khí nhà kính, các nhà máy điện hạt nhân có thể tạo ra lượng điện khổng lồ chỉ với một lượng nhỏ nhiên liệu, khiến chúng hiệu quả hơn các nguồn năng lượng khác. Đây là một trong những lý do tại sao năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng sạch lớn nhất tại Mỹ, Pháp và Hàn Quốc.
Tại Liên minh châu Âu, chiến dịch vận động mạnh mẽ từ Pháp đã giúp đưa năng lượng hạt nhân vào cái gọi là hệ thống phân loại xanh (green taxonomy) của khối từ năm 2022.
Tại Viện đầu tư BlackRock, một đơn vị của BlackRock Inc., hạt nhân được coi là một phần của tổ hợp năng lượng cần thiết để cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu rộng lớn đang được xây dựng.
Alastair Bishop, người đứng đầu toàn cầu về đầu tư cốt lõi bền vững và là người quản lý danh mục đầu tư tại BlackRock, cho biết trong một cuộc họp báo vào tháng 7: “Điều đó sẽ có ý nghĩa sâu sắc đối với thị trường điện”.
Robert Lancastle, nhà quản lý danh mục đầu tư tại J O Hambro, nói rằng nếu không có năng lượng hạt nhân, thế giới khó có đủ năng lượng để hỗ trợ sự phát triển liên tục của trí tuệ nhân tạo.
"Tìm đủ năng lượng để cung cấp cho cuộc cách mạng AI là một trong những câu hỏi lớn chưa có lời giải”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn. "Chúng tôi tin rằng năng lượng hạt nhân và có thể là các lò phản ứng mô-đun nhỏ đặt gần các trung tâm dữ liệu lớn — sẽ trở thành một lĩnh vực thú vị nhưng vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức".
Lancastle nắm giữ cổ phiếu của công ty khai thác uranium Cameco Corp. từ quý đầu tiên của năm 2022. Cổ phiếu này đã tăng khoảng 80% kể từ đầu năm đó.
Các ví dụ khác về các công ty liên quan đến vấn đề hạt nhân bao gồm Constellation Energy Corp., tăng hơn 50% trong năm nay, BWX Technologies Inc., tăng hơn 20%, và NuScale Power Corp., có cổ phiếu tăng hơn 150%. Về mặt thu nhập cố định, các nhà đầu tư có thể tiếp cận lĩnh vực điện hạt nhân thông qua các công ty Orano SA, Urenco Ltd. và công ty điện lực Electricite de France SA của Pháp.
Đầu năm nay, một phân tích của Bank of America Global Research đã nêu bật hơn 50 cổ phiếu có liên quan đến năng lượng hạt nhân hoặc là một phần của chuỗi cung ứng hạt nhân để các nhà đầu tư xem xét trong chiến lược phát thải ròng bằng 0 của họ. Các công ty bao gồm CEZ AS ở Cộng hòa Séc và Societatea Nationala Nuclearelectrica SA ở Romania, cả hai đều “đủ điều kiện phân loại” theo Đạo luật khí hậu bổ sung của EU, các nhà phân tích bao gồm Panos Seretis viết trong một ghi chú cho khách hàng.
Năm 2022, cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính rằng công suất năng lượng hạt nhân toàn cầu cần phải tăng gấp đôi vào giữa thế kỷ này so với mức năm 2020 để giúp thế giới đạt được các cam kết phát thải ròng bằng 0. Trong khi đó, cách các chính phủ xử lý năng lượng hạt nhân đã có những tác động địa chính trị đáng kể. Đức nổi tiếng với việc chấm dứt chương trình năng lượng hạt nhân sau sự cố rò rỉ tại nhà máy Fukushima ở Nhật Bản vào năm 2011. Quyết định này sau đó đã vấp phải sự chỉ trích, vì Đức sau đó đã phải phụ thuộc nhiều vào các nhiên liệu hóa thạch phát thải cao do Nga cung cấp.
Cùng lúc đó, quyết định của EU vào năm 2022 về việc đưa năng lượng hạt nhân vào hệ thống phân loại xanh (green taxonomy) đã gặp phải làn sóng chỉ trích từ các nhóm môi trường. Các mối lo ngại bao gồm cách xử lý chất thải phóng xạ do các nhà máy hạt nhân tạo ra, chất thải này có thể mất hàng ngàn năm để phân hủy. Một mối lo ngại khác là công nghệ hạt nhân nếu rơi vào tay sai người có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí.
Berkouwer của Robeco cho biết quy trình lựa chọn tài sản hạt nhân của công ty có đầy đủ các biện pháp kiểm tra và cân bằng, các khoản đầu tư sẽ không thể tiếp tục nếu chúng khiến Robeco rơi vào tình trạng rủi ro đối với các quốc gia có nguy cơ cao về an toàn hạt nhân. Ngoài ra, bất kỳ kho dự trữ hạt nhân nào gắn liền với ngành công nghiệp quốc phòng đều nằm trong danh sách loại trừ của Robeco.
Berkouwer cho biết ông nhìn thấy cơ hội đầu tư tiềm năng tại các công ty khai thác uranium, nhà cung cấp thiết bị, công ty xây dựng cái gọi là lò phản ứng mô-đun nhỏ và các công ty điện lực có hạt nhân là một phần quan trọng trong cơ cấu năng lượng. Ông cũng liệt kê các nhà cung cấp phần mềm vì nhiều nhà máy điện hạt nhân cần phần mềm tiên tiến để vận hành.
Tuy nhiên, chi phí vẫn là một vấn đề, khi các nhà máy điện hạt nhân thường đòi hỏi hàng tỷ đô la đầu tư và mất nhiều thời gian hơn để xây dựng so với các cơ sở năng lượng tái tạo. Điều này đã khiến năng lượng hạt nhân có "tiếng xấu," theo Tal Lomnitzer, Giám đốc đầu tư cấp cao của nhóm cổ phiếu bền vững toàn cầu tại Janus Henderson Investors.
Dù vậy, chi phí "có thể được giải quyết nhờ các lò phản ứng mô-đun nhỏ", Lomnitzer cho biết. "Công chúng có thể có cái nhìn tích cực hơn với sự đảm bảo từ chính phủ và các bên liên quan khác".
( nguồn : Năng lượng Quốc tế )