Băn khoăn giá, tỷ lệ mua điện mặt trời tự sản, tự tiêu
Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh dự kiến điện mặt trời mái nhà còn dư của hệ thống tự sản, tự tiêu có thể được EVN mua với giá 671 đồng/kWh và sản lượng điện được bán không quá 10% tổng sản lượng lắp đặt.
Mức giá khó cho nhà đầu tư?
Theo Bộ Công thương, đây là mức giá đã được Tập đoàn Điện lực VN (EVN) tính toán theo chi phí tránh được bình quân năm 2023. Giá không cố định mà sẽ được điều chỉnh hằng năm sau khi có đề xuất của EVN. Giá mua điện dư phát lên lưới sẽ nằm trong khoảng 600 - 700 đồng/kWh, đảm bảo khuyến khích phát triển điện mặt trời (ĐMT) nhưng phù hợp trong từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện quốc gia.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Vinasol, nhận xét: "Bản chất của chính sách ngay từ tên gọi là "tự sản, tự tiêu", nên việc chỉ cho bán lên lưới không quá 10% công suất lắp đặt là đúng. Tôi ủng hộ quan điểm này, bởi trong thực tế, ĐMT lắp dùng cho nhà máy, cơ quan, hộ gia đình, nếu có dư thường rơi vào buổi trưa, khi nhu cầu dùng giảm nhưng sản lượng điện huy động lại tăng. Việc phát lên lưới một ít trong khung giờ này và có trả tiền bù cho nhà đầu tư (NĐT) khi dùng điện ban đêm, không còn ánh sáng mặt trời là rất hợp lý".
Tuy vậy, về mức giá mua lượng ĐMT dư phát lên lưới được Bộ Công thương đề xuất từ 600 - 700 đồng/kWh; năm 2024 dự tính nếu cơ chế được thông qua, EVN sẽ mua với giá 671 đồng/kWh, ông Việt cho rằng mức này quá thấp so với kỳ vọng của những nhà lắp đặt ĐMT để dùng. "Cho dù chi phí đầu tư ĐMT áp mái lúc này thấp hơn nhiều so với thời kỳ nguồn điện này được hưởng giá FIT (9,35 cent/kWh và sau là 8,38 cent/kWh); tuy nhiên giá mua lại nguồn điện dư thừa của các nhà làm ĐMT để sử dụng nên thấp nhất từ 5 - 6 cent (khoảng 1.200 - 1.300 đồng/kWh). Mức giá này cũng phù hợp với khung giá phát điện nhà máy ĐMT, điện gió chuyển tiếp được Bộ Công thương quy định tại Quyết định 21/2023 với ĐMT mặt đất có khung giá trần là 1.185 đồng/kg", ông Việt đề xuất.
Chuyên gia Trần Đình Bá (Hội Khoa học kinh tế VN) lại cho rằng không cần giới hạn việc chỉ mua lại dưới 10% tổng sản lượng, bởi trong thực tế ĐMT mái nhà trong dân và các công sở là điện "tươi", sản xuất ra là dùng ngay trên khu vực đó mà không phải truyền tải đi xa. Sản xuất đến đâu tiêu thụ ngay tại đó để cân bằng cung - cầu, chống lại việc thiếu hụt điện năng mà các nơi xa truyền tải đến không đủ, không kịp tới mức phải cắt điện luân phiên. Theo đó, ĐMT mái nhà trong dân và công sở, xí nghiệp đáp ứng 30 - 60% nhu cầu điện tại chỗ để giảm tải cho lưới điện phải chuyển từ xa đến, chứ không phải phát lên truyền đi xa rồi nghẽn này nọ để phải giới hạn...
Ở góc độ NĐT, bà Nguyễn Thái Vân (Q.8, TP.HCM), chủ một cơ sở sản xuất may mặc, cho rằng: "Việc mua lại nguồn ĐMT thừa với giá đề xuất 600 - 700 đồng/kWh là rất khó cho NĐT. Hiện nhiều hộ gia đình đầu tư ĐMT để dùng, khi thiếu phải mua điện từ EVN vào giờ cao điểm buổi tối từ 3.000 - 5.000 đồng/kWh đối với điện sản xuất kinh doanh; với hộ gia đình ở bậc thấp nhất cũng gần 2.000 đồng/kWh, bậc cao trên 3.000 đồng/kWh. Trong khi đó, nguồn điện thừa bán lại chỉ được tính 600 - 700 đồng/kWh, chỉ bằng 1/3 - 1/5 giá điện người dân phải mua để dùng", và bà đặt câu hỏi: "Tại sao không cho ghi nhận trừ lùi, hoặc nếu không, mua lại với mức giá tương đương giá mua ĐMT chuyển tiếp?".
Cân nhắc áp dụng chính sách trừ lùi...
Các chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng có thể mức giá nói trên khó khuyến khích NĐT làm ĐMT mái nhà tự sản, tự tiêu trong thời gian tới. TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), đề xuất sản lượng ĐMT dư thừa có thể đưa lên lưới không quá 10% và được khấu trừ vào sản lượng tiêu thụ hằng tháng tại kỳ thanh toán hóa đơn tiền điện của người dân, công sở, doanh nghiệp…; những cá nhân, tổ chức lắp ĐMT mái nhà tự sản, tự tiêu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tối đa việc cho bán điện trực tiếp với nhà hàng xóm, không phát lên lưới để NĐT tận dụng tối đa hiệu quả công suất nguồn ĐMT.
"Thiếu điện cục bộ vẫn xảy ra đâu đó, đặc biệt khu vực miền Bắc. Tận dụng nguồn ĐMT lắp trong cùng tòa nhà, bán cho tòa nhà bên cạnh, hoặc bán trong khu phố, khu dân cư… là cần thiết. Chính phủ đang khuyến khích ĐMT tự sản, tự tiêu với mục đích tự dùng, nhằm giảm gánh nặng chi phí đầu tư thêm nguồn, giải quyết thiếu điện, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo…, chứ không phải để kinh doanh, nên đòi hỏi chính sách ưu đãi với mô hình này thì không đúng. Tuy nhiên, chính sách cần cân nhắc việc trừ lùi sản lượng cho NĐT hay mua rẻ với giá chỉ bằng 1/3 giá NĐT phải đi mua để dùng thì nên cân nhắc, xem xét lại", TS Việt chia sẻ.
Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương), đánh giá việc chấp nhận cho mua lại nguồn dư thừa, phát lên lưới và có thanh toán tiền… là bước tiến đáng ghi nhận của các nhà làm chính sách. Hồi tháng 6, Bộ Công thương vẫn còn bảo lưu quan điểm loại hình này chỉ được sản xuất tiêu thụ tại chỗ, không bán cho tổ chức, cá nhân khác hay lên lưới điện quốc gia. "Cả 2 yếu tố cho phát lên lưới không quá 10% trên tổng sản lượng lắp đặt và mua với giá 600 - 700 đồng/kWh đều phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Bởi trong quá trình góp ý chính sách, rất nhiều NĐT cũng đề cập nên tính bằng mức giá tối thiểu nào đó để bù lại chi phí vận hành, chứ không nên mua với giá 0 đồng. Nay giá mua gần 700 đồng/kWh ĐMT mái nhà trong thực tế không khiến NĐT lỗ, chỉ là có thể không có lãi và không đúng với kỳ vọng của NĐT mà thôi", ông Lâm nhận xét.
Theo Quy hoạch điện 8 được phê duyệt, đến năm 2030, VN có 50% các tòa nhà công sở, 50% nhà dân sử dụng ĐMT mái nhà tự sản, tự tiêu. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW và được phân bổ về từng địa phương. Quy hoạch này cũng đề cập cần có phương án ưu tiên, chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển ĐMT mái nhà của người dân, mái công trình xây dựng, nhất là khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc.
(nguồn : Báo Thanh niên )