Australia: Đầu tư vào năng lượng tái tạo ngày càng tăng
Ảnh minh hoạ (Nguồn: IT)
Theo báo cáo hàng quý do Hội đồng Năng lượng sạch Australia vừa mới công bố, hoạt động đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo lớn ở nước này đã phục hồi trở lại trong quý I/2024 sau khi xuống mức thấp vào năm 2023, song Australia cần đẩy mạnh hơn nữa tốc độ đầu tư để đạt được mục tiêu năng lượng sạch vào năm 2030.
Dữ liệu trong báo cáo cho biết các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn ở Australia đã nhận được tổng vốn đầu tư là 1,1 tỷ AUD (733,5 triệu USD) trong quý đầu tiên của năm 2024. Theo đó, mức đầu tư trung bình hàng quý trong 12 tháng vào các dự án trên đã tăng 73%, lên 659 triệu AUD.
Báo cáo cũng cho biết đã có 5 dự án năng lượng tái tạo có tổng công suất 895 megawatts nhận được cam kết về tài chính trong quý I/2024. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá Australia cần đầu tư từ 6-7 gigawatts công suất tái tạo mỗi năm kể từ nay đến năm 2030 nhằm đáp ứng mục tiêu năng lượng tái tạo của chính phủ nước này.
Theo Hội đồng Năng lượng sạch Australia, Chính phủ Công đảng Australia hiện nay đang đặt mục tiêu đạt 82% nguồn cung năng lượng tái tạo trong hệ thống điện quốc gia vào năm 2030. Tuy nhiên, cơ quan trên cho rằng tỷ lệ 40% như hiện nay vẫn còn rất thấp, xét đến cả những cam kết thực hiện các dự án điện gió, năng lượng Mặt Trời và pin lưu trữ mới với trị giá hơn 40 tỷ AUD. Việc đạt được mục tiêu về năng lượng tái tạo cũng được coi là chìa khóa để đáp ứng cam kết của Chính phủ Australia nhằm cắt giảm 43% lượng khí thải carbon so với mức năm 2005 vào năm 2030.
Trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành Hội đồng Năng lượng sạch Kane Thornton cho biết những kết quả trên là một dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của Australia đang đi theo hướng tích cực và trên con đường phục hồi. Ông cho rằng các cam kết mang tính bước ngoặt mà Chính phủ liên bang Australia đưa ra trong những tháng gần đây được thiết kế nhằm đảm bảo niềm tin đối với những nhà đầu tư năng lượng tái tạo, điều mà cơ quan của ông kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự hồi sinh của một hệ thống cung cấp năng lượng quy mô lớn.
( nguồn : Môi trường & Đô thị )